Giống chó chăn cừu Úc chưa được nhân giống ở Việt Nam, chúng đều được nhập khẩu từ Thái Lan, Úc với mức giá “khá chát”. Vì thế nếu đã chi khủng để sở hữu em cún này thì bạn cần biết cách chăm sóc để “hoàng thượng” phát triển toàn diện thể chất lẫn tinh thần nha:
1. Điều kiện sống
Chó chăn cừu Úc thích ứng tốt với cả khí hậu nóng và lạnh vì vậy chúng rất thích hợp với thời tiết ở nước ta.
Thay vì căn hộ chung cư thì chó nên được sinh hoạt ở nơi có khoảng sân rộng rãi. Vốn dĩ là dòng dõi chó lao động, năng lượng tràn trề, thân thể linh hoạt, bạn cần cho chúng tập thể dục 1-2 giờ/ngày. Kinh qua các môn thể thao như: đi bộ, chạy nhảy, ném đĩa, bắt bóng,….
2. Thức ăn cho chó chăn cừu Úc
#Về lượng:
Phụ thuộc vào độ tuổi và trọng lượng của chó, thời kỳ sinh nở làm “mẹ bỉm” hoặc lúc ốm đau
Chú chó nhỏ, nên ăn các loại thức ăn mềm, 4-5 bữa/ngày. Ăn vừa đủ no không ăn quá nhiều, các bữa ăn cách đều nhau.
Chú chó trưởng thành rút ngắn xuống từ 2-3 bữa/ngày nhưng tăng lượng đồ ăn lên.
#Về chất:
Phải đảm bảo đủ dưỡng chất: protein, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin,… Thức ăn nên cho cún ăn như: thịt, cá, hải sản, trứng, rau củ quả,… KHÔNG cho chó ĂN ĐỒ CHIÊN RÁN, khiến đường ruột kém hấp thu, ảnh hưởng sức khỏe về sau.
Lưu ý phải có rau xanh để chó dễ đi ị, nếu không sẽ dễ bị táo bón, “thả bom” khắp nơi đấy nha!
3. Phòng tránh bệnh tật
Giống chó này thường có tuổi thọ từ 12-15 năm, khá dài. Vốn dĩ là chó chăn cừu rất đỉnh nên sức đề kháng bẩm sinh đã tốt tuy nhiên vẫn không tránh khỏi một số bệnh vặt như: viêm mũi, đục thủy tinh thể, teo võng mạc,… Hoặc các bệnh về xương khớp, động kinh, mất điều hòa tiểu não,….
Eo ôi lo lắng quá, cần làm gì để trị và phòng tránh các loại bệnh đó:
– Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, khu vực sinh hoạt của chúng
– Vệ sinh mắt, răng, miệng, kẽ chân,… thường xuyên
– Tiêm phòng đúng liệu trình từ bệnh viện/trạm thú y
– Theo dõi cún nếu có các biểu hiện lạ như: bỏ ăn, không vận động, rên rỉ, thở khò khè,… cần triệu hồi “thái y” cho “hoàng thượng” ngay
4. Cách chọn giống chó chăn cừu Úc
Một việc rất quan trọng là chọn giống, sàng lọc ngay từ đầu để hạn chế bệnh tật về sau:
– Chiều cao, cân nặng: con đực trưởng thành: 52-58cm, 25-29kg; con cái trưởng thành: 46-52cm, 18-25kg
– Chó thuần chủng sẽ có: thân hình săn chắc, cân đối, linh hoạt, nhanh nhẹn, phần ngực hơi lõm sâu, cơ thể dài hơn chiều cao của vai
– Đôi mắt 2 màu sắc khác nhau là điểm đặc biệt nhất của chó chăn cừu Úc
– Bộ lông gợn sóng, dài vừa phải, màu lông phổ biến: đen sẫm, đỏ nhạt, đỏ nâu và có mảng trắng, đốm nâu, đốm xám, xanh da trời,…
Về cơ bản việc chăm sóc giống chó này cũng không phức tạp. Bạn chỉ cần lưu ý về chế độ ăn uống, theo dõi sức khỏe định kỳ, tiêm phòng, cẩn thận khi chọn giống. Đừng để “hoàng thượng” nhà mình gặp “thái y” nhiều hơn gặp crush nhé! Vì nếu như vậy cún cưng lại gào thét đổi chủ, đổi cung điện thì người đau lòng là bạn đấy!